Màn trình diễn “Trống cơm” trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” không chỉ gây ấn tượng mạnh với khán giả mà còn tạo nên một làn sóng cover đầy sáng tạo trên mạng xã hội. Đặc biệt, giới trẻ Gen Z đã nhanh chóng bắt nhịp và tạo ra những phiên bản “Trống cơm” độc đáo bằng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, góp phần đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng.
Điều gì đã khiến một bản nhạc dân tộc truyền thống trở nên hot đến vậy? Có lẽ là bởi sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong phần trình diễn của Soobin Hoàng Sơn. Tiếng đàn bầu trầm ấm, tiếng trống cơm rộn rã cùng với giai điệu được phối khí mới mẻ đã tạo nên một bản nhạc vừa quen thuộc vừa lạ tai, đánh thức niềm yêu thích âm nhạc dân tộc trong lòng nhiều người.
Không chỉ có đàn bầu, đàn tranh, nhiều bạn trẻ còn biến tấu đoạn nhạc với các loại nhạc cụ khác như: đàn nhị, violin hay sáo. Nguyễn Hương Giang, một sinh viên của Học viên Âm nhạc Quốc gia, chia sẻ: “Mình nghĩ đàn tranh chạy nốt rất nhiều nên mình thêm vài đoạn cho sôi nổi. Thêm vào đó, đàn tranh không luyến được như đàn bầu, nên mình cứ cho thêm nốt nhiều để tay chạy không nghỉ lúc nào.”
Với những bản cover này, giới trẻ không chỉ thể hiện tài năng âm nhạc mà còn góp phần quảng bá các loại nhạc cụ dân tộc. Kim Ngân, một bạn trẻ đam mê đàn bầu, cho biết: “Nhờ kiến thức và kỹ năng sẵn có nên chiếc trend này không làm khó được mình. Mình rất vui vì góp phần lan tỏa âm nhạc truyền thống đến với nhiều bạn trẻ.”
Đại diện của nhóm Mây Band, một nhóm nhạc sinh viên của Nhạc viện TP.HCM, chia sẻ: “Vì bài này là bài mới được viết lại và có những đoạn biến tấu hay nên các thành viên trong nhóm đã thống nhất sẽ làm các phiên bản của đoạn biến tấu đó bằng những nhạc cụ khác nhau.” Nhóm Mây mong muốn đem đến cho khán giả trẻ những trải nghiệm âm nhạc độc đáo và ý nghĩa, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc Việt Nam.
Trào lưu cover “Trống cơm” không chỉ đơn thuần là một trào lưu giải trí mà còn mang ý nghĩa sâu sắc. Nó cho thấy sự trỗi dậy của tình yêu âm nhạc dân tộc trong thế hệ trẻ, đồng thời chứng minh rằng âm nhạc truyền thống hoàn toàn có thể kết hợp hài hòa với những xu hướng hiện đại.
Với sự sáng tạo và nhiệt huyết của các bạn trẻ, có thể nói rằng âm nhạc dân tộc đang ngày càng được yêu thích và phát triển. Những bản cover “Trống cơm” không chỉ là những giai điệu du dương mà còn là cầu nối để kết nối các thế hệ, giúp chúng ta cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.