Trên mạng xã hội, không ít người trẻ, nhất là Gen Z, thường bị dán nhãn “bông tuyết” – một thuật ngữ ám chỉ sự nhạy cảm và dễ tổn thương.
Gần đây, vào cuối tháng 8, một sinh viên ngành Minh họa tại Cao đẳng FPT Polytechnic TP.HCM đã gây chú ý khi phản ứng với việc bị giảng viên chấm 0 điểm và nhận xét ngay trên nhóm chat lớp học. Câu chuyện nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên mạng, với nhiều người gọi sinh viên này là một “bông tuyết”.
Ở đây, “bông tuyết” không còn đơn giản là những tinh thể băng trắng muốt, mà còn mang ý nghĩa tiêu cực. Thuật ngữ này, xuất phát từ nước ngoài, thường dùng để chỉ những người được cho là quá mỏng manh, dễ bị tổn thương bởi những lời chỉ trích.
Theo từ điển Merriam-Webster, “snowflake” – tức “bông tuyết” trong tiếng Anh, có thể xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết Fight Club (1996) của Chuck Palahniuk. Nhưng nó thực sự bùng nổ vào thời kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi những người phe bảo thủ dùng thuật ngữ này để chế giễu phe cấp tiến. Đến năm 2018, từ “snowflake” đã chính thức xuất hiện trong từ điển Oxford.
Khi về Việt Nam, thuật ngữ “bông tuyết” giữ nguyên nghĩa và trở thành một khái niệm phổ biến trên các diễn đàn. Đặc biệt, Gen Z – thế hệ trẻ nhất hiện nay – lại thường bị gắn với cái tên này. Nhiều người cho rằng các bạn trẻ được nuôi dạy trong môi trường quá bao bọc, dẫn đến việc dễ xúc động hoặc không chịu nổi những lời phê bình.
Tuy nhiên, việc áp đặt nhãn “bông tuyết” cho cả một thế hệ đang gây ra nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng đó là một cái nhìn phiến diện, bỏ qua nỗ lực không ngừng của người trẻ trong việc đối mặt với thử thách và trưởng thành.