Trong bối cảnh hiện đại, khi vừa phải xây dựng sự nghiệp, vừa cố gắng vun đắp hạnh phúc gia đình, nhiều người trẻ đang đối diện với một “áp lực kép” khiến họ lựa chọn cuộc sống độc thân thay vì kết hôn. Việc gia tăng trách nhiệm xã hội đối với người chưa kết hôn có thể khó mang lại hiệu quả như mong muốn, khi mà những áp lực này ngày càng nặng nề.
Ngày nay, câu tục ngữ xưa “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” không còn đúng với nhiều người trẻ. Để đi đến quyết định lập gia đình, họ phải đối mặt với hàng loạt thách thức tài chính và cả những vấn đề cá nhân khác. Điều này vô hình chung tạo nên một tiêu chuẩn kép khiến họ vừa phải tập trung phát triển sự nghiệp, vừa lo toan xây dựng một mái ấm hạnh phúc.
Nguyên nhân áp lực kép
Không chỉ dừng lại ở các vấn đề tài chính, áp lực hôn nhân còn xuất phát từ những yếu tố tâm lý khác. Những thông tin tiêu cực về hôn nhân đổ vỡ, ngoại tình hay bạo hành gia đình tràn lan trên mạng xã hội đang làm gia tăng sự e ngại của nhiều người trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân. Cảm giác thiếu an toàn này khiến họ không muốn mạo hiểm để bước vào cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, cuộc sống đô thị với giá nhà tăng cao cũng tạo thêm gánh nặng. Nhiều người trẻ cảm thấy việc mua nhà để xây dựng tổ ấm là điều xa vời. Ngay cả khi không mua nhà, việc thuê một không gian sống đủ tốt cho cả gia đình cũng đặt lên vai họ những áp lực kinh tế lớn hơn so với việc sống độc thân. Chi phí nuôi dạy con cái ngày càng đắt đỏ cũng khiến nhiều người trì hoãn hoặc từ chối việc lập gia đình.
Đồng thời, họ còn phải đối mặt với “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa). Mạng xã hội, với những bài đăng khoe thành tựu cá nhân, từ nhà cửa đến xe cộ và bằng cấp, đang làm tăng thêm cảm giác “thua kém” nếu không đạt được các mục tiêu tương tự. Điều này tạo ra một vòng xoáy áp lực khiến nhiều người trẻ chọn cách sống độc thân để tránh gánh nặng kép từ cả công việc lẫn hôn nhân.
Thay đổi tư duy thúc đẩy hạnh phúc
Áp lực kết hôn và độc thân ngày càng gia tăng tạo ra những nỗi lo không nhỏ cho xã hội. Tuy nhiên, việc áp đặt những biện pháp cưỡng chế để tăng tỷ lệ kết hôn không phải là cách tiếp cận hiệu quả. Kết hôn cần phải xuất phát từ sự tự nguyện, không thể là kết quả của áp lực hay sự ép buộc.
Để khuyến khích người trẻ lập gia đình, cần cung cấp các phúc lợi xã hội như chính sách nhà ở hợp lý, tạo điều kiện để nuôi dạy con cái tốt hơn. Những giải pháp này sẽ giúp xóa đi những nỗi lo lớn nhất về tài chính, từ đó giảm bớt sự e ngại về hôn nhân.
Về mặt tinh thần, trang bị các kỹ năng lập kế hoạch, định hướng, phát triển bản thân cho người trẻ cần được chú trọng. Họ cần hiểu rằng sự cân bằng giữa công việc và gia đình có thể đạt được thông qua việc quản lý thời gian hiệu quả và sắp xếp các ưu tiên hợp lý. Thay vì tăng giờ làm việc hay tạo ra thêm áp lực từ phía xã hội, những chương trình tham vấn tâm lý, phát triển cá nhân sẽ giúp người trẻ cảm thấy sẵn sàng hơn cho hôn nhân.
Cuối cùng, để tháo gỡ “nút thắt” tâm lý trước những quyết định lớn như kết hôn, người trẻ cần được trau dồi kiến thức và kỹ năng liên quan đến quản lý tài chính gia đình, giao tiếp hiệu quả, và thấu hiểu sâu sắc về mối quan hệ gia đình. Khi có được những nền tảng này, nỗi sợ hãi sẽ dần tan biến, nhường chỗ cho sự tự tin và sẵn sàng bước vào hành trình xây dựng tổ ấm của riêng mình.